Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Vitamin D

Vitamin D


Một khám phá mới đây về mối liên hệ giữa vitamin D và ung thư, cùng những hiểu biết về chức năng của sinh tố này trước đây, càng ngày càng khẳng định vai trò hết sức quan trọng của vitamin D trong việc duy trì sức khỏe.  Tuy nhiên, một thực tế đáng quan ngại hiện nay là có quá nhiều người trong cộng đồng thiếu vitamin D, và tình trạng này có thể là một trong những yếu tố gây nên những bệnh tật mãn tính hiện nay.
Kết quả nghiên cứu lâm sàng mới công bố trên một tập san y khoa bên Mĩ cho thấy phụ nữ được bổ sung vitamin D và calcium giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư gần 80%.  Quan trọng hơn, nồng độ vitamin D trong máu càng cao, nguy cơ mắc bệnh ung thư càng thấp; và ngược lại, những người có nồng độ vitamin D thấp thì nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng cao.  Phát hiện trên đây có ý nghĩa rất lớn đến việc phòng chống ung thư và bệnh tật ở qui mô cộng đồng, bởi vì bổ sung vitamin D tương đối rẻ tiền và cũng không gây ra những ảnh hưởng phụ nguy hiểm. 

Vitamin D: không chỉ có ích cho xương

Vitamin D không phải là một “sinh tố” bình thường (như sinh tố A, B, C) mà thực chất là một loại hormone hay kích thích tố. Vitamin D thường được sản xuất chủ yếu qua ánh nắng mặt trời. Khi phơi nắng, da chúng ta tiếp xúc với tia tử ngoại (UVB), một lượng cholecalciferol được sản xinh dưới da.  Các tế bào mỡ tiếp tục vận chuyển cholecalciferol vào hệ thống tuần hoàn, và sẽ trải qua hai giai đoạn chuyển hóa.  Giai đoạn thứ nhất, cholecalciferol trải qua một qui trình chuyển hóa và sản sinh ra 25-hydroxyvitamin D, thường hay viết tắt là 25(OH)D3. Trong giai đoạn hai, 25(OH)D3 được vận chuyển đến thận và chuyển hóa thành 1a25-hydroxyvitamin D (thường viết tắt là 1,25(OH)2D3).
Ảnh hưởng của thiếu vitamin D được ghi nhận vào thế kỉ 16 ở Âu châu.  Thời đó, cuộc cách mạng kĩ nghệ ở vùng bắc Âu thu hút rất nhiều công nhân từ các vùng phía nam, và người ta ghi nhận rằng con em của những công nhân di cư này thường có chứng còi xương (xương không cứng được), cơ thể chậm phát triển.  Mãi đến thế kỉ 19, có người lí giải rằng trẻ em bị còi xương là do thiếu phơi nắng mặt trời.  Sau đó, người ta một mặt khuyến khích phơi nắng, một mặt cho ăn dầu cá tuyết (cold fish, một loại dầu chứa nhiều vitamin D), và kết quả rất tuyệt vời: chứng còi xương được trị dứt.  
Từ đó, vitamin D được biết đến như là một hoạt chất có ảnh hưởng đến sự phát triển và duy trì xương.  Cơ chế chuyển hóa và hoạt động của vitamin D rất phức tạp, khó có thể mô tả trong một bài viết ngắn.  Tuy nhiên, qua nhiều nghiên cứu khoa học, chúng ta biết rằng vitamin D có chức năng kích thích sự hấp thu calcium của cơ thể, kích thích quá trình khoáng hóa để hình thành xương.  Bất cứ một hormone nào cũng phải hoạt động qua thụ thể (receptor), và thụ thể vitamin D có mặt hầu hết trong các tế bào.  Do đó, không ngạc nhiên khi thấy vitamin D ảnh hưởmg đến hàng loạt bệnh.
Thật vậy, ngày nay các nhà khoa học biết rằng thiếu hụt vitamin D không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, vẫy nến, viêm đường ruột, viêm khớp, viêm gan, nhiễm trùng, lao phổi, v.v…  Người thiếu vitamin D thường hay bị đau nhức cơ bắp, hay bị té ngã và dễ bị gãy xương.  Ở những phụ nữ lúc mang thai, thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ sinh con với chấn thương não, thậm chí dị tật.
Nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy cư dân sống ở các vùng  độ vĩ tuyến cao thường mắc bệnh cao huyết áp.  Khi bệnh nhân được cho phơi nắng thì hàm lượng vitamin D tăng 180%, và huyết áp giảm khoảng 6 mmHg.  Ngoài ra, bệnh nhân phơi nắng còn có tác dụng giảm LDL và tăng HDL cholesterol.
Một nghiên cứu trên 13.000 người Mĩ tuổi trên 20 cho thấy những người có nồng độ vitamin D thấp có nguy cơ tử vong tăng 26% so với những người có nồng độ vitamin D bình thường.  Một phân tích tổng hợp kết quả nghiên cứu từ các nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên cho thấy bổ sung vitamin D với liều lượng 300-2000 IU/ngày giảm nguy cơ tử vong 7% sau 3 năm theo dõi.

Vitamin D và bệnh truyền nhiễm


Một số nghiên cứu gần đây còn cho thấy vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hệ thống miễn nhiễm.  Bác sĩ John Cannel có một kinh nghiệm thú vị trong nhà tù ở Los Angeles(Mĩ).  Khoảng 10 năm trước, nhà tù trải qua một trận dịch, rất nhiều tù nhân bị cảm cúm.  Tuy nhiên, có hai khu mà không tù nhân nào bị cảm cả, và khi kiểm tra thì mới biết hai khu này các tù nhân được cho uống vitamin D 2000 IU/ngày trước đó vài tháng.
Trong một nghiên cứu lâm sàng trên 67 bệnh nhân lao, khi họ được bổ sung vitamin D với liều lượng 10.000 IU/ngày sau 6 tuần, họ không có bất cứ triệu chứng đàm trong phổi.  Ngược lại, nhóm không uống vitamin D thì có 77% có đàm trong phổi.  Một quan sát tương tự ở London cũng đi đến kết luận rằng bổ sung vitamin D có khả năng điều trị bệnh lao phổi. 
Ở Phần Lan, các bác sĩ đo nồng độ vitamin D ở 800 lính mới nhập ngũ và xem có tương quan đến nguy cơ cảm cúm hay không.  Qua theo dõi ba tháng, họ phát hiện rằng nhóm có nồng độ vitamin D trên trung bình không ai bị viêm phổi, nhưng nhóm có nồng độ vitamin D thấp thì bị viêm phổi và cảm cúm tăng theo tỉ lệ ngịch với vitamin D.  Một nghiên cứu khác cho thấy bệnh nhân sử dụng statin (một loại thuốc giảm cholesterol) có khả năng tăng vitamin D, và đây có lẽ là lí do tại sao statin còn có khả năng chống viêm mà giới khoa học mới phát hiện gần đây.

Nguồn vitamin D


Vitamin D thường được xem là “vitamin D trời cho”, bởi vì như đề cập trên, được sản xuất từ ánh nắng mặt trời.  Khoảng 90-95% vitamin D trong cơ thể chúng ta là do da sản sinh, và chỉ 5-10% là do nguồn thực phẩm.  Thực phẩm chúng ta dùng hàng ngày chứa rất ít vitamin D.  Các loại cá giàu chất dầu như cá hồi, cá tuyết, cá thu, cá trích có lượng vitamin D cao hơn những cá khác.  Nấm phơi khô cũng chứa vitamin D.  Những cá và nấm trên đây hàm chứa khoảng 400-500 IU vitamin D tùy vào liều lượng ăn uống (IU là đơn vị quốc tế để đánh giá liều lượng vitamin D). 
Có nhiều nghiên cứu cho thấy vào mùa hè chỉ cần phơi nắng trong vòng vài phút (10-30 phút) hay đối với người có da trắng chờ đến khi da chuyển màu, lúc đó cơ thể chúng ta đã sản xuất được trung bình 20.000 IU vitamin D (nhưng ở một số người mức độ có thể dao động từ 10.000 đến 50,000 IU).  Da chúng ta có khả năng rất tuyệt vời, đó là phòng ngừa ngộ độc vitamin D.  Cho dù chúng ta phơi nắng cả giờ đồng hồ, và mức độ vitamin D sản xuất tăng trên 50.000 IU thì da vẫn có khả năng đào thải số lượng không cần thiết; do đó, trong lịch sử chưa có ai ngộ độc vitamin D vì phơi nắng.

Tình trạng thiếu vitamin D

Nghiên cứu dịch tễ học cho thấy những người sống ở các vùng với độ vĩ tuyến cao (như các nước bắc Âu, bắc Mĩ) mắc bệnh ung thư, xơ cứng bì, viêm khớp, đái tháo đường, tim mạch, tai biến, hay bị nhiễm trùng, v.v… Những vùng này cũng là những vùng thiếu vitamin D trầm trọng.  Mới đây, có nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thiếu vitamin D trong dân số ở các nước bắc Âu và bắc Mĩ lên đến 50-70%.  Các giới chức y tế ở đây xem đó là một vấn nạn y tế công cộng, nên họ có chính sách bổ sung vitamin D trong thực phẩm như bơ sữa, nước cam, và bánh mì.
Vì vitamin D được sản xuất từ ánh nắng mặt trời, người ta thường lầm tưởng rằng ở những nước nhiệt đới như nước ta, không có vấn đề thiếu vitamin D.  Sự thật là ngược lại: một tỉ lệ lớn dân số trên thế giới, kể cả các nước nhiệt đới, thiếu vitamin D.  Theo ước tính của các chuyên gia, 40-50% dân số trên thế giới thiếu vitamin D.  Nghiên cứu ở Thái Lan và Mã Lai cho thấy cứ 100 người thì có khoảng 50 người thiếu vitamin D.  Riêng ở Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu vitamin D lên đến 80-90%!  

Và ở Việt Nam


Ở nước ta, chưa có một nghiên cứu nào đánh giá về tình trạng thiếu vitamin D trong cộng đồng.  Ngày nay, nhiều người có lẽ do muốn giữ làn da trắng, nên người ta thường bao kín mít tay, chân, mặt để … chống nắng.  Thói quen này có thể dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D trong cơ thể nghiêm trọng.  Nếu các nghiên cứu trong vùng là những tín hiệu, chúng ta có thể đoán rằng tỉ lệ thiếu vitamin trong dân số cũng khoảng 40%.
Con người tiến hóa từ Phi châu.  Thời tiền sử, trong quá trình tiến hóa, con người không mặc quần áo, và ánh nắng mặt trời là nguồn vitamin D.  Nhưng trong vòng hai thế kỉ qua, con người thay đổi môi trường làm việc, ngồi trong văn phòng tránh ánh nắng mặt trời, indoors, lái xe, và gần đây nhất là bào chế những loại kem chống nắng.  Tất cả những phát triển này có hiệu quả làm giảm hàm lượng vitamin D trong cơ thể.  Do đó, không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người hiện nay thiếu vitamin D.  Không chỉ “thiếu”, mà còn “rất thiếu”.
Ở nước ta, các bệnh truyền nhiễm vẫn còn là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu.  Ngoài bệnh truyền nhiễm, các bệnh liên quan đến “xã hội hiện đại” như tim mạch, tai biến mạch máu não, ung thư, viêm khớp, loãng xương, đái tháo đường… càng ngày càng tăng.  Tất cả các bệnh này đều liên quan đến vitamin D.  Thật ra, hầu như không một bệnh mãn tính nào mà không có liên hệ với vitamin D!  Trong một hội nghị về vitamin D diễn ra ở Mĩ vào năm ngoái, một chuyên gia hàng đầu cho rằng y học thế giới đang ở trong một “kỉ nguyên vitamin D”. 
Trong kỉ nguyên vitamin D, vẫn còn một loạt câu hỏi cần được đặt ra và cần nghiên cứu thêm ở nước ta.  Những câu hỏi thông thường nhất là: có bao nhiêu người Việt trong tình trạng thiếu vitamin D, nồng độ vitamin D bao nhiêu là tối ưu cho người Việt, mối liên hệ giữa các bệnh nhiễm trùng, dịch tả và vitamin D như thế nào, tại sao trẻ em ở thôn quê phơi nắng ít bị cảm cúm so với trẻ em ở thành thị, v.v…  Giải đáp cho những câu hỏi này chẳng những làm sáng tỏ vai trò của vitamin D trong việc phòng chống bệnh tật và giảm tử vong trong cộng đồng, mà còn thể hiện một đóng góp quan trọng cho y học quốc tế.


Không có nhận xét nào: